
Dù bạn dành khoảng một phần ba cuộc đời để ngủ nhưng có một số thông tin về quãng thời gian nghỉ ngơi này bạn có thể chưa biết. Ngay cả những nhà khoa học cũng phải liên tục thực hiện thí nghiệm để tìm hiểu về các vấn đề về giấc ngủ như ngủ quá nhiều, ngủ quá ít hay thức giấc giữa đêm thường xuyên đấy.
Cuộc sống hiện đại luôn khiến cho chúng ta ngủ ít hơn nhu cầu thật sự của bản thân. Việc tăng thời gian sử dụng máy vi tính, điện thoại, uống nhiều cà phê và căng thẳng là những lý do khiến nhiều người không ngủ đúng nhu cầu của mình.
Để tìm hiểu về tác động của việc ngủ không đủ này, các nhà nghiên cứu từ Viện não và Tâm thần học của Đại học Western ở Canada (Western University’s Brain and Mind Institute) đã thiết lập một nghiên cứu về giấc ngủ trên quy mô lớn.
Tác động tiêu cực của việc ngủ quá nhiều
Bắt đầu vào tháng 6/2017, nghiên cứu về giấc ngủ của Đại học Western đã thu thập dữ liệu từ hơn 40.000 người tham gia. Tiến sĩ Adrian Owen, một nhà nghiên cứu Khoa học thần kinh nhận thức ở Đại học Western, giải thích nghiên cứu này có mục đích nắm bắt thói quen ngủ trong thực tế của mọi người.
Những người tham gia nghiên cứu khá đa dạng. Họ cũng cung cấp những thông tin chi tiết như loại thuốc họ đang sử dụng, số tuổi, nơi ở và trình độ học vấn. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tới kết quả thí nghiệm.
Các nhà khoa học đã cho người tham gia làm 12 bài kiểm tra nhận thức được thiết lập kỹ càng để xác định mối tương quan của giấc ngủ với khả năng nhận thức. Khoảng một nửa số người tham gia nghiên cứu ngủ 6,3 giờ hoặc ít hơn trong một đêm, thấp hơn khoảng một giờ so với mức khuyến nghị của nghiên cứu.
Nghiên cứu đưa ra kết luận rằng không những ngủ quá ít mà ngủ quá nhiều cũng có tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức của bạn. Tuy nhiên, thời gian ngủ lại không ảnh hưởng quá lớn tới trí nhớ ngắn hạn.
Việc ngủ quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều chức năng nhận thức khác nhau như khả năng xác định các mẫu phức tạp, dùng thông tin để xử lý vấn đề. Khả năng về ngôn ngữ là bị ảnh hưởng đáng kể nhất.
Những người ngủ 4 tiếng hoặc ít hơn một đêm sẽ có bộ não già đi 8 tuổi và những người ngủ quá nhiều cũng gặp vấn đề tương tự.
Vậy ngủ bao nhiêu là đủ?
Các nhà khoa học đã tìm ra những người ngủ 7–8 tiếng mỗi đêm có chức năng nhận thức cao nhất. Việc ngủ nhiều hơn hay ít hơn khoảng thời gian trên đều làm sút giảm kết quả bài kiểm tra. Điều quan trọng là kết quả này không đổi bất kể tuổi tác. Vậy nên nhóm người có chức năng nhận thức bị ảnh hưởng lớn nhất là nhóm người cao tuổi vì họ thường ngủ ít hơn.
Tuy nhiên, một đêm ngủ ngon đủ giấc trong vòng 7–8 giờ có thể đảo ngược quá trình sa sút trí tuệ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ngủ đủ giờ vào đêm trước sẽ thực hiện bài kiểm tra tốt hơn so với những người ngủ ít hơn.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với khả năng nhận thức, giải quyết công việc và làm việc hiệu quả. Bạn không chỉ cần tránh việc thiếu ngủ mà còn cần giới hạn thời gian để không ngủ quá nhiều vì ngủ nhiều cũng có những ảnh hưởng tiêu cực như việc ngủ ít.
Chúc mọi người sức khỏe và còn mãi tuổi xuân!